HƯỚNG DẪN BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC KHÍ ĐỘC TRONG AO NUÔI TÔM

Khí độc trong ao nuôi tôm như H2S, NO2, NH3 khiến tôm bị suy yếu, giảm ăn, dễ bị nhiễm bệnh gây thiệt hại kinh tế cho người nuôi. Để giải quyết vấn đề này, bài viết dưới đây hướng dẫn người nuôi biện pháp khắc phục khí độc trong ao nuôi tôm.

Nguyên nhân nào gây ra khí độc trong ao nuôi tôm

+ Những ao nuôi cũ lâu năm tại các vùng ngập mặn có nhiều xác cây sú vẹt, đáy ao lót bạt sử dụng qua nhiều vụ nuôi, các chất hữu cơ  dưới đáy ao tích tụ lâu ngày gây ra hiện tượng thiếu khí oxy và là nguyên nhân chính xuất hiện khí độc

+ Qua thời gian, lượng khí thải trong ao nhiều gây ra lượng khí độc nhất là khí H2S

+ Do thời tiết như mưa, bão tiếng động của mưa khiến tôm tập trung xuống đáy ao, nơi mà chất thải và khí độc tiếp xúc trực tiếp với tôm.

+ Trời mưa khiến nhiệt độ trong ao nuôi tôm hạ xuống khiến tôm di chuyển đến khu vực chất thải khiến tôm bị nhiễm khí độc.

+ Thời tiết âm u, nhiều mây khiến tảo trong ao nuôi không có ánh sáng để quang hợp, quá trình hô hấp của tảo sẽ làm cho oxy hoàn tan trong ao bị giảm xuống thấp, khí độc sẽ tăng nhanh và phân tán đến nơi cho ăn làm tôm yếu, dễ mắc bệnh.

+ Mưa kết hợp với gió thổi mạnh khiến xuất hiện sóng trên mặt nước, tạo ra luồng nước ở đáy ao, khuấy động đáy ao nuôi làm tróc lớp bùn mỏng bảo vệ mặt đáy, khí H2S sẽ thoát ra phủ khắp đáy ao.

+ Quá trình thu tỉa tôm, vớt tôm chết của người nuôi cũng làm xáo trộn đáy ao, làm khí độc có điều kiện thoát ra từ lớp bùn đáy.

+ Khi tôm lột xác chúng cũng thường tập trung ở khu vực chất thải, nơi tiềm ẩn khí độc vì thế dễ bị ảnh hưởng của khí độc.

Ảnh hưởng của khí độc trong ao nuôi gây tác động như thế nào?

+ Khí H2S cản trở quá trình vận chuyển ôxy của tôm.

+ H2S gây thiếu hụt ôxy trầm trọng, tác động rất xấu đến tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm, gây thiệt hại cho người nuôi cá, nuôi tôm nhiều hơn các tác nhân khác gây ra.

+ Tôm bị stress và yếu, dễ bị cảm nhiễm vi khuẩn Vibrio

+ Khi hàm lượng Nitrit trong ao quá cao, tôm nổi đầu và có thể chết hàng loạt hoặc rải rác vào buổi sáng sớm và lúc chiều tối.

+ Hàm lượng NH3 và NO2 cao gây độc trên tôm, tôm trong ao nuôi sẽ chậm tăng trưởng, giảm ăn, nổi đầu, chết dần hàng ngày. Nếu tình trạng kéo dài không được xử lý kịp thời tôm sẽ sẽ giảm sức đề kháng, tích tụ NH3 và NO2, nhiễm bệnh khác như phân trắng, EMS, hội chứng gan tụy cấp, đen mang, đốm trắng, hoại tử cơ…

Biện pháp khắc phục khí độc trong ao nuôi tôm

+ Tiến hành cải tạo ao nuôi tôm trước khi thả giống.

+ Ao nuôi phải đảm bảo có hệ thống xi phông đáy ao để giảm thiểu, giải phóng khí độc.

+ Sử dụng các chế phẩm sinh học (CPSH) có chứa nhóm vi khuẩn nitrat (Nitrosomonas spp và Nitrobacter spp) để xử lý môi trường, phân hủy các hợp chất hữu cơ như thức ăn thừa, phân tôm, xác chết của tảo và sinh vật trong ao…

+ Cung cấp đầy đủ ôxy trong ao nuôi, bố trí quạt nước hợp lý

+ Thực hiện quản lý thức ăn tốt, tránh hiện tượng dư thừa. Khi phát hiện ao nuôi có hàm lượng khí độc cao, cần điều chỉnh lại lượng thức ăn, giảm 30 – 40% thức ăn, ít nhất trong 3 ngày cho đến khi điều kiện chung trở lại bình thường như ban đầu.

+  Tiến hành tuần hoàn nước ao nuôi ra ao lắng. Khi đưa nước từ ao nuôi sang ao lắng sẽ xử lý NO2 trước khi tái cấp vào ao nuôi.

+ Khi thấy tôm có dấu hiệu nhiễm độc NO2 có dùng ôxy viên đánh xuống đáy ao vào ban ngày, liên tục vài ngày. Sử dụng CaCl2 với lượng 20 – 30 kg/1.000 m3, định kỳ 2 – 3 ngày nhằm tăng cường khả năng đề kháng cho tôm.

+ Tiến hành bón vôi quanh ao nuôi để hạn chế biến đổi môi trường ao nuôi khi có trời mưa to

+ Duy trì sự phát triển của các loại tảo trong ao nuôi ở mức độ hợp lý, tránh xảy ra hiện tượng tảo nở hoa hoạc ao có mật độ tảo thấp.

“Nguồn: Internet”