Bà con nuôi tôm vẫn thường nghe câu “Nuôi tôm là nuôi nước”, vậy nuôi nước là nuôi cái gì? Trong ngành nuôi tôm, khi nói đến nước nuôi thì có vô vàn vấn đề cần được quản lý và xử lý. Trong đó vấn đề được nhắc đến rất nhiều là diệt khuẩn
Vậy thì, diệt khuẩn là gì? Diệt khuẩn ao nuôi khi nào và diệt khuẩn như thế nào thì hiệu quả? Cùng tin cậy giải bày nỗi lo này của bà con trong bài biết dưới đây.
- Diệt khuẩn là gì?
Diệt khuẩn ở đây được hiểu là diệt vi sinh vật gây bất lợi cho môi trường nước nuôi tôm. Trong quá trình nuôi tôm, mầm bệnh luôn xuất hiện ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng và phát triển của tôm.
Diệt khuẩn nước ao nuôi hiệu quả làm giảm đáng kể mầm bệnh trong suốt vụ nuôi, sức đề kháng của tôm cũng được cải thiện. Bên cạnh việc diệt khuẩn nước ao nuôi thì cần kết hợp các biện pháp thay nước và xi phong đáy để việc cải thiện chất lượng nước nuôi được hiệu quả.
Có rất nhiều thuốc diệt khuẩn thông dụng dành cho thủy sản trên thị trường như: Thuốc tím Ấn Độ (KMnO4), Chlorine Niclon, Clorine Aquafit, TCCA, BKC, IODINE, …. Tùy vào mục đích và công dụng mà chúng ta chọn thuốc diệt khuẩn phù hợp mang lại hiệu quả cao và ít chi phí.
- Diệt khuẩn “đúng lúc, đúng cách, đúng liều lượng”
Khi tìm kiếm từ khóa “diệt khuẩn ao tôm” trên google, rất nhiều loại thuốc diệt khuẩn, bài viết, video được hiển thị. Vậy làm sao để chọn được phương pháp diệt khuẩn hiệu quả.
Trên thực tế, diệt khuẩn như thế nào còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: mô hình ao nuôi, nguồn nước, thổ nhưỡng, chu kì nuôi, giai đoạn nuôi,…. Diệt khuẩn theo các giai đoạn nuôi:
Diệt khuẩn đầu vụ
Diệt khuẩn đầu vụ nuôi rất quan trọng vì đó là khâu xử lý nước đầu vào sẵn sàng cho việc nuôi tôm, diệt khuẩn đầu vụ hiệu quả giúp tôm có bước đà phát triển tốt và giảm thiểu các bệnh cho vi khuẩn, vi rút, nấm,….
Rải vôi phơi đáy với ao đáy đất. Sử dụng vôi nóng 300kg/1000m2, phơi ao ít nhất 3 ngày giúp diệt khuẩn, chống xì phèn và cân bằng pH đất. Không phơi ao quá lâu khiến cho đất bị nứt nẻ.
Cấp nước ao lắng để xử lý phèn, diệt khuẩn.
Hạ phèn trước khi diệt khuẩn. Phèn lơ lững ảnh hưởng đến các phản ứng hóa – lý trong quá trình diệt khuẩn ao. Bước này có thể được thực hiện trong ao lắng.
Chọn thuốc diệt khuẩn phù hợp. Chọn thuốc diệt khuẩn phụ thuộc vào nguồn nước, tình trạng tôm vụ trước, thời gian chuẩn bị ao dài hay ngắn.
Thuốc diệt khuẩn và liều sử dụng:
Thuốc diệt khuẩn đầu vụ
Công dụng/Liều sử dụng
Chlorine (Aquatick, Niclon, TCCA) Diệt khuẩn, tảo, khử trùng nước
25-30 L/1000m3
Thuốc tím Ấn Độ (KmnO4) Diệt khuân, làm mất màu nước
3-4 kg/1000m3
Thuốc cá Diệt nấm, cá tạp
15-20 kg/1000m3
Đồng Sunfate Diệt các loài 2 mảnh vỏ
3-4 kg/1000m3
BKC Diệt khuẩn nhẹ
5 kg/1000m3
Tạo nguồn vi sinh ban đầu, tạo màu. Đối với tôm post trong tuần đầu tiên, thức ăn chủ yếu là tảo có lợi, động vật phù du, động vật phiêu sinh vậy nên việc tạo vi sinh có lợi giúp tôm khỏe mạnh. Bên cạnh đó vi sinh còn gây màu nước hiệu quả và ổn định môi trường.
Diệt khuẩn trong vụ nuôi
Nhiều bà con vẫn còn chưa biết cách diệt khuẩn khi đang trong vụ nuôi, bên cạnh đó lại lạm dụng kháng sinh vừa không hiệu quả vừa tốn nhiều chi phí.
Để diệt khuẩn trong vụ nuôi hiệu quả thì đầu tiên cần phát hiện các dấu hiệu tôm bị nhiễm khuẩn như: ăn ít, ruột yếu, ruột xoắn hoặc gấp khúc, lờ đờ,…. Dấu hiệu rõ và dễ thấy nhất là xoắn hoặc gấp khúc ruột, ăn ít, ruột đứt khúc.
Khi thấy tôm có dấu hiệu ăn ít, yếu đường ruột, lỏng ruột, đứt khúc, xoắn ruột bà con nên giảm thức ăn, tiến hành xổ ruột sau đó diệt khuẩn ao (Iodine), sử dụng Zeolite hạt để lắng tụ và xi phong.
Thay nước 30% đối với ao đáy đất, thay nước mới đối với ao bạt. Sau khi diệt khuẩn, cho tôm ăn thức ăn với một số loại kháng sinh đường ruột, hoặc các men đường ruột như EM tỏi, Beta Garlic, các sản phẩm men tiêu hóa có chứa Lactobacillus và bổ sung thêm vitamin, khoáng, acid amin cần thiết để tôm phục hồi. Xổ ruột định kì từ 3 đến 4 tuần một lần.
Diệt khuẩn cuối vụ
Nhiều hộ nuôi bỏ qua bước này hoặc xử lý sơ sài dẫn đến bắt đầu vụ mới không thuận lợi. Nhất là những hộ nuôi trước đó ao đã bị bệnh phải thu sớm, nhiễm phải các chủng vi khuẩn Vibrio, Aeromonas, Pseudomonas, nấm đồng tiền, EHP,…. Kí sinh còn sót lại khi cấp nước vào sẽ tiếp tục phát triển và gây bệnh cho tôm.
Cuối mỗi vụ tôm, quý bà con nên tiến hành xịt rửa bạt, khử trùng thiết bị bằng thuốc tẩy gốc Cl, gốc HCl hoặc thuốc diệt khuẩn và phơi nắng, rửa đáy áo và vét bùn.
Bên cạnh đó cũng có nhiều bà con sau mỗi vụ được mùa sử dụng lại nước cũ để nuôi tiếp, thì cũng cần thực hiện các bước diệt khuẩn ano và cấy lại vi sinh cho ao.
- Những điều cần lưu ý khi diệt khuẩn
Những điều cần lưu ý khi tiến hành diệt khuẩn ao nuôi:
Cần đánh hạ phèn trước để quá trình diệt khuẩn được hiệu quả
Sau khi diệt khuẩn tiến hành chạy quạt, và cấy lại vi sinh sau ít nhất 2 ngày. Nhất là đối với ao đang nuôi, cần có thời gian để thuốc diệt khuẩn mất tác dụng trước khi tạo lại vi sinh tránh vi sinh bị chết gây thối nước.
Trong quá trình diệt khuẩn cần cung cấp đủ oxy đối với ao đang nuôi.
Sau khi xổ đường ruột tôm thường sẽ ăn yếu đi, nên sổ ruột vào buổi chiều và giảm thức ăn, cho ăn bình thường vào hôm sau.
Tùy vào điều kiện của từng mô hình ao cũng như nguồn nước mà có cách xử lý diệt khuẩn khác nhau. Kính chúc quý bà con có một vụ mùa bội thu.
Nguồn: sưu tầm